Hội thảo Công nghệ bê tông siêu tính năng UHPC ứng dụng tại Việt Nam

Vừa qua, tại Hà Nội, Viện Khoa học công nghệ xây dựng (IBST) phối hợp với Hội Bê tông Việt Nam (VCA) tổ chức hội thảo “Công nghệ bê tông siêu tính năng (UHPC) ứng dụng tại Việt Nam”, với sự tham dự của đông đảo chuyên gia, nhà khoa học thuộc các trường đại học, CÁC hội, hiệp hội chuyên ngành, đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.

TS. Lê Quang Hùng - Chủ tịch Hội Bê tông VN phát biểu
khai mạc Hội thảo

TS. Lê Quang Hùng - Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam đã phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch cho biết, UHPC đã và đang được ứng dụng rộng rãi ở nhiều nước phát triển trên thế giới, tại Việt Nam, công nghệ UHPC đã được quan tâm nghiên cứu từ vài chục năm trở lại đây. Hiện tại, UHPC đã được nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư nghiên cứu ứng dụng trong xây dựng, đặc biệt trong xây dựng cầu đường bộ.

Bộ Xây dựng cũng đã đặt hàng cho Hội Bê tông Việt Nam nghiên cứu chế tạo hỗn hợp bột  UHPC khô trộn sẵn nhằm cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

TS Trần Bá Việt - Phó Chủ tịch VCA, trình bày  báo cáo về UHPC

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Hội, Hội thảo đã nghe TS Trần Bá Việt - Phó Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam trình bày báo cáo chính. TS. Trần Bá Việt cho biết, trong “Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050” nêu rõ: “Đẩy mạnh đầu tư các nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông các loại (bê tông nhẹ, bê tông phục vụ công trình ven biển và hải đảo; bê tông cường độ cao, tính năng cao; bê tông xuyên nước, chống ngập úng, giảm tiếng ồn cho các đô thị...) để phục vụ nhu cầu trong nước và có thể xuất khẩu... Phát triển và áp dụng rộng rãi các loại bê tông cường độ cao trên 100MPa; các sản phẩm cấu kiện bê tông tiền chế, lắp ghép theo modul, bản mỏng, tiết diện nhỏ; bê tông bền với môi trường biển, bê tông chịu nhiệt, bê tông thích ứng với biến đổi khí hậu, bê tông in 3D”. Do đó, UHPC có cường độ chịu nén từ 120MPa trở lên là loại bê tông nằm trong chiến lược phát triển cần được nghiên cứu ứng dụng.

Các đặc tính nổi bật của UHPC có thể kể đến là: hỗn hợp UHPC chảy cao, tự đầm lèn chặt; cường độ chịu nén, chịu kéo uốn rất cao; độ dẻo dai tốt; chống thấm, chống ăn mòn rất tốt; chi phí bảo trì sửa chữa thấp; đã có nhiều phần mềm sử dụng cho thiết kế, mô phỏng như ATENA, ABAQUS, MIDAS; có thể sử dụng cho kết cấu và phi kết cấu trong hạ tầng giao thông, kiến trúc, sửa chữa, xây dựng công trình; thiết kế cấp phối theo yêu cầu của thiết kế kết cấu và yêu cầu sử dụng; chế tạo trong nhà máy và thi công tại hiện trường; Nếu có thiết kế hợp lý, giá thành tương đương bê tông cốt thép thường (ví dụ, đối với dầm nhịp >12m); nếu tính cả theo tuổi thọ công trình thì giá thành chỉ bằng 75% bê tông cốt thép thường; phát thải khí CO2 tính cho 1m2 mặt cầu cùng nhịp, cùng tải trọng giảm 20%.

Bên cạnh những ưu điểm nổi bật, TS Trần Bá Việt cũng nêu lên một số hạn chế đối với UHPC, đó là Việt Nam hiện chưa nắm vững công nghệ về UHPC, chưa chế tạo thiết bị công nghệ phù hợp, vì thế giá thành sản xuất vẫn còn cao nên thường chỉ có hiệu quả đối với những công trình lớn. Tuy nhiên, theo sự tiến bộ của khoa học công nghệ, những hạn chế này sẽ sơm được giải quyết, giúp giảm giá thành sản xuất UHPC.

Ở nước ta, từ năm 2016 đến nay đã có hơn 50 cầu UHPC được xây dựng ở 17 tỉnh, thành, với độ dài nhịp cầu từ 8 - 20m, dự kiến trong năm 2023, sẽ xây dựng thêm khoảng 60 cầu.

Đặc biệt, UHPC đã giúp Bộ Giao thông vận tải giải quyết được vấn đề nan giải trong sửa chữa mặt cầu Thăng Long – Hà Nội. Cùng với nhiều công nghệ khác, kết cấu liên hợp UHPC cùng với bản thép bề mặt cầu sẵn có đã tạo nên mặt cầu liên hợp UHPC-OSDs cho cầu Thăng Long, góp phần cho sự lưu thông qua lại an toàn và hiệu quả. Đã qua hai năm kể từ ngày khánh thành dự án sửa chữa, mặt cầu Thăng Long vẫn phát huy hiệu quả, luôn đảm bảo an toàn cho xe cộ qua lại hàng ngày.

TS. Đỗ Tiến Thịnh (IBST) giới thiệu bộ 3 dự thảo TCVN về UHPC

Cũng tại hội thảo, TS. Đỗ Tiến Thịnh (IBST) đã giới thiệu tổng quan nội dung dự thảo tiêu chuẩn quốc gia TCVN về UHPC bao gồm: UHPC - Vật liệu yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử; UHPC - Hướng dẫn thiết kế kết cấu; UHPC - Thi công và nghiệm thu. Hiện các dự thảo này đã được Hội đồng tư vấn Bộ xây dựng nghiệm thu, đang chờ Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức thẩm đinh, đề nghị Bộ Khoa học Công nghệ công bố áp dụng.

Viện trưởng IBST Nguyễn Hồng Hải kết luận hội thảo

Thay mặt Ban tổ chức, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng (IBST), TS.  Nguyễn Hồng Hải cảm ơn các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến bổ ích. Ban tổ chức sẽ tổng hợp và nghiên cứu, tiếp thu nhằm phổ biến và ứng dụng có hiệu những công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực xây dựng nói chung, cũng như lĩnh vực bê tông nói riêng, góp phần phục hồi và phát triển bền vững nền kinh tế nước nhà trong thời gian tới.

 

Tổng số truy cập: 1442218

Số người đang online: 2

Lượt xem theo ngày: 42